Ngày nay, các công nghệ hiện đại được áp dụng vào tổ chức sự kiện và tiệc cưới ngày càng trở nên phổ biến. Một trong những công nghệ hiện đại nhất hiện nay phải kể đến là 3D mapping – một công nghệ trình chiếu nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người xem bởi tính hoành tráng và luôn mang lại tương tác thật cho người xem. Vậy:
1. 3D Mapping là gì?
3D Mapping còn được gọi là "Video Mapping", "Projection Mapping" hay "Spatial Augmented Reality" là công nghệ kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim. Về cơ bản, kĩ thuật làm 3D mapping sẽ dựng một mô hình có tỷ lệ kích thước giống hoàn toàn 100% so với vật thể thật, yêu cầu các thông số và số đo kỹ thuật phải được tính toán kỹ càng, chính xác. Sau đó từ mô hình trên máy tính, kỹ thuật sẽ tạo các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh để tạo các sự sống động cho hình ảnh 3D, sau đó trình chiếu cho người xem bằng hệ thống máy chiếu chuyên dụng. Công nghệ 3D mapping thể hiện nội dung, chủ đề bằng kỹ thuật sử dụng ánh sáng để tạo các hiệu ứng 3D thành các khối hình ảnh tương tác trong không gian ba chiều thay vì hai chiều truyền thống.
3D mapping sử dụng phần mềm riêng để thực hiện các animation, hiệu ứng, kĩ xảo và chuyển tới một hoặc nhiều máy chiếu có công suất lớn để chiếu hình ảnh trùm lên mặt của vật thể, công trình trên sân khấu ngoài trời hay trong nhà hoặc ở nơi có ngoại cảnh lớn như tòa nhà, trung tâm tương mại. Công nghệ phần mềm mapping sẽ làm cho hiệu ứng 3D trùng khớp lên từng chi tiết nhỏ nhất của vật thể mẫu.
2. 3D Mapping trong tổ chức sự kiện
Trong tổ chức sự kiện, 3D Mapping chính là một trong những hiệu ứng đặc biệt tạo ra một sự bất ngờ gây choáng ngợp với người xem bằng cách chiếu bất kì một hình ảnh nào đó dưới hình dạng đa chiều, dẫn đến một hiệu ứng 3D tuyệt đẹp tạo nên ấn tượng cho sự kiện, cũng như cho thấy được sự sáng tạo của một agency. 3D Mapping được áp dụng không chỉ bởi các event planner mà còn từ các nghệ sĩ với mong muốn mang đến màn biểu diễn mới và ấn tượng nhất.
Ngoài ra, 3D mapping còn phụ thuộc lớn vào vật thể chiếu và môi trường được chiếu sáng. Cụ thể là một chiếc ôtô hay một vật thể bất kì đặt trong nhà sẽ tạo được hiệu ứng dễ hơn là việc đặt một vật thể ngoài trời.
Điều quan trọng kế đến là chất liệu bề mặt chiếu bởi yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng hiển thị hình ảnh. Cụ thể là việc trình chiếu sẽ gặp khó khăn hoặc thậm chí không chiếu được nếu vật thể có bề mặt là kính, sơn bóng, đá, hoặc có độ phản sáng cao. Khi đó, các kỹ thuật viên sẽ khắc phục bằng cách phủ lên bề mặt vật thể 1 chất liệu khác có thể là vải màn chiếu hoặc 1 lớp sơn đặc biệt để hút sáng máy chiếu.
3. 3D Mapping trên sân khấu và toàn ballroom
Khi đưa công nghệ nghe nhìn vào lễ cưới, 3D mapping lại trở nên khá mới mẻ tại Việt Nam. Trong tiệc cưới Nguyễn Quốc Cường – Đàm thu Trang, Bliss đã dựng mô hình đồi núi uốn lượn, cùng với lối trang trí theo concept khu rừng, để kể lại câu chuyện tình yêu quê hương núi rừng của cô dâu chú rể. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại này, không gian bữa tiệc đã trở nên sống động và mang đến những cảm giác chân thật nhất cho khách mời, như thể họ đang tham dự một tiệc cưới dưới những tán cây cổ thụ và khung cảnh rừng xanh.
4. 3D Mapping trên bánh cưới
Để trình diễn mapping bánh cưới đạt độ thẩm mỹ tốt nhất cho người xem thì mapping bánh cưới cần một tiết diện và mặt phẳng trắng lớn có phủ 1 lớp sơn đặc biệt để hút sáng, đồng thời phải có mô hình bánh thực tế chuẩn xác đến từng milimet để có thể tạo ra những hiệu ứng hình ảnh rõ ràng và chân thực nhất.
Mapping bánh cưới trình chiếu các hình ảnh, đoạn phim khớp với mô hình bánh thực tế kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh để tạo ra những hình ảnh ấn tượng trên bánh nên mapping bánh có thể được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu, sở thích hoặc điểm chung của đôi bạn.
Vậy thay vì cách trang trí bánh kem thông thường bằng kem tươi, hoa tươi hoặc fondant thì Bliss đã chọn điều đặc biệt hơn, đó là ứng dụng 3D Mapping trên bánh cưới nhằm mang đến một cảm giác mới lạ cũng như tạo sự đẳng cấp cho tiệc cưới của bạn.