Trong đám cưới Việt Nam, phù dâu hay phụ dâu thường bị bỏ quên và bị hiểu lầm ý nghĩa và nhiệm vụ. Cùng Bliss tìm hiểu rõ hơn về vai trò và ý nghĩa thực sự của phù dâu.
Truyền thống
Trên thực tế, phù dâu không phải là một văn hóa phương Tây lưu truyền vào Việt Nam, danh xưng này đã có từ thời xa xưa. Vào thời xưa, các cô gái trẻ về nhà chồng chỉ vào tầm 13, 14 tuổi, với độ tuổi “ăn chưa lo, no chưa tới” này, ông bà xưa thường sẽ gửi gắm những người lớn như cô, dì, chị gái theo giúp các cô dâu vào ngày cưới. Từ đó, danh xưng phù dâu ra đời.
Vai trò
Nhiệm vụ của các cô dâu phụ không chỉ là đi đầu trong dàn mâm quả cưới mà còn là “trợ thủ đắc lực” cho cô dâu.
Trước đám cưới, các dâu phụ sẽ là người góp ý trong việc chọn lựa trang phục cho cả cô dâu và chú rể cũng như an ủi và là chỗ dự tinh thần trong giai đoạn “công việc đầy ắp” này cho cô dâu.
Trong đám cưới, các dâu phụ sẽ là người túc trực bên cô dâu để lo vấn đề trang phục, trang điểm. Một số gia đình tự tổ chức tiệc, thì theo đúng các nghi thức phương Tây thì dâu phụ sẽ là người sắp xếp chỗ ngồi cho khách kiêm luôn vai trò “hoạt náo viên” cho buổi tiệc.
Các tiêu chí chọn dâu phụ
Các cô dâu có thể chọn phù dâu từ những người thân thiết trong gia đình và bạn bè nhưng nên nhớ là các dâu phụ phải là những cô gái chưa lập gia đình. Bên cạnh đó, các dâu phụ luôn sẽ đứng cạnh nhau và cô dâu, vì vậy việc chọn phù dâu cũng nên phù hợp với các tiêu chí về kích thước, vóc dáng. Cuối cùng, đừng quên một món quà đáp lễ nhỏ xinh dành cho dàn dâu phụ của mình sau lễ cưới.